Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

*Cần Nhìn Nhận Hợp Lý Nhân Cách Cao Bá Quát Theo Hướng Tư Duy Lô Gích - Ngô Văn Lại


CẦN NHÌN NHẬN HỢP LÝ NHÂN CÁCH
CAO BÁ QUÁT THEO HƯỚNG TƯ DUY LÔGÍCH.
Ngô Văn Lại
Khóa 1 Viện Hán Học Huế

Đồng tác giả bộ Hán thư, sử gia Ban Cố (32-92) ngay từ thế kỷ I đã cảnh báo chung giới nghiên cứu bằng lời vàng ngọc: “Xem lời bảo ban của người xưa, nên lật đi lật lại tham khảo đã, đừng lấy cái vào tai trước làm chủ” (Quan lãm cổ giới, nghi phản phúc tham khảo, vô dĩ tiên nhập nhĩ vi chủ dã - Từ nguyên)
Đã đến lúc người ta phải vận dụng nghiêm túc lời khuyên trên để giải quyết những giai thoại về Cao Bá Quát vốn đã gây nhiễu thông tin hàng trăm năm nay. Từ khi một ít thơ văn chữ Nôm của họ Cao được giảng dạy ở học đường, tình hình gây nhiễu ấy càng tác hại rộng rãi khôn lường cho nhiều thế hệ. Nay hãy thử điểm lại các thông tin gây nhiễu ấy.

Chuyện thứ nhất:
Bài thơ Bỡn Lý Trưởng Làng Phú Thị.
Tương truyền làng Phú Thị vừa đắp xong đôi voi phục trước sân đình. Có dư luận xì xào rằng lý trưởng làng ấy xâm phạm kinh phí. Một bài thơ nôm nguệch ngoạc xuất hiện bên sườn voi: Khen cho thợ khéo đắp đôi voi. Đủ cả đầu, đuôi, đủ cả vòi. Còn thiếu “cái kia” sao chửa đắp? Hay là thầy Lý bớt đi rồi?
Người ta sớm khám phá ra thủ phạm, phạt vạ ông Đồ Cao và ông Đồ đã trừng phạt đích đáng kẻ ngỗ nghịch nọ đúng theo gia pháp.
Lô gích ở đây là:
1. Cậu bé nổi tiếng thần đồng đọc nhiều nhớ lâu như Cao Bá Quát, lại là quý tử của ông Đồ, đương nhiên là được bố quan tâm đặt vào bệ phóng, nhắm đúng quỹ đạo và nạp đủ năng lượng, có nghĩa là tận dụng lẫn lạm dụng hiệu suất đào tạo, chẳng hòng gì có đủ thời giờ nhập bọn đám trẻ lêu lổng để tiêm nhiễm những trò rắn mắt quậy phá nầy nọ. Bản thân Cao Bá Quát cũng thừa ý thức để hiểu mình là ai, đang ở vị trí nào trong xã hội, ông Đồ Cao chả tốn bao nhiêu thì giờ để đưa điều hay lẽ phải vào tâm trí đứa con mà ông sớm nhận ra cá tính. Đấy là người quân tử lúc nào cũng phải “hồi hộp thấp thỏm như đi đến vực sâu, như bước lên lớp băng mỏng” (chiến chiến căng căng như lâm thâm uyên, như lý bạc băng - Mạnh Tử). Nếu Cao Bá Quát có quan tâm, không thể không phê phán, tất cậu bé của sách vở như thế sẽ nhắm vào những vấn đề xứng đáng hơn, chuyện tham ô vặt vãnh chỉ gây bất bình cho người lớn xót của, không lây lan đến người  ớm chọn đèn sách.
2. Cậu bé Cao Bá Quát nhất định có đủ khôn ngoan để hiểu rằng loại hành động ấy diễn ra ở một làng quê như  Phú Thị, thủ phạm dễ dàng sa lưới, người ta chỉ cần loại suy loại trừ là tóm ngay thủ phạm, chẳng dễ gì qua mặt nổi lệ làng. 
3. Gia phong ông Đồ Cao là niềm tự hào chung của dân làng, qua những giao tiếp bình thường cũng đã tạo nên thân mật, Cao Bá Quát chẳng có lý do gì để xúc phạm người trên kẻ trước, đặc biệt là xúc phạm Lý Trưởng vùng nông thôn. Vậy loại chuyện như thế khó thể xảy ra, ấy là chưa kể cả đôi voi phục nọ có khi cũng chỉ là sản phẩm hư cấu, chỉ dùng tạm cho việc chế tạo giai thoại!
288
Chuyện thứ hai:
Tắm hồ Tây
Chuyện kể rằng vua Minh Mạng ngự giá Bắc tuần, đến thăm Hồ Tây, bắt gặp cậu bé Cao đang tồng ngồng bì bõm ở đấy. Nhà vua thét lính lôi lên trói lại, Cao Bá Quát khai mình là học trò, ngẫu nhiên phạm thượng vì không ngờ có ngự giá đến.
Vua kiểm tra lời khai ấy bằng vế đối:
- Nước trong leo lẻo, cá đớp cá.
Cao Bá Quát ứng khẩu lập tức:
- Trời nắng chang chang, người trói người.
Vua khen hay, bèn tha tội.
Dùng lô gích để giải quyết giai thoại này chẳng khác gì… dùng kiếm chém ruồi. Một đầu óc kém phát triển đi nữa cũng thừa sức tìm ra khía cạnh vô lý của giai thoại.
1. Vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820, vào thời điểm ấy Cao Bá Quát đang sửa soạn thi Hương vì đã hoàn thành cuộc khảo hạch, trở thành khoá sinh hẳn hoi, tất địa phương có trách nhiệm cấp thêm học điền, khoá sinh cũng được dự việc hội hè đình đám ngang hàng với người lớn, Cao Bá Quát dù có thèm muốn đến mấy cũng không thể nào níu lại “quyền trẻ con” được nữa, trừ phi trả lại học điền, đòi lại quyển thi đã nộp, quyết tâm theo đường lêu lổng.
2. Lần ngự giá Bắc tuần của vua Minh Mạng đầu tiên diễn ra vào tháng 9 năm Tân Tỵ, tức là một tháng sau kỳ thi trường Hà. Cao Bá Quát đỗ tú tài khoa này (Tân Tỵ phát Hương tuyển - Bình sinh ngũ thập vận) như vậy khó lòng kiêm nhiệm vai trò trẻ con nghịch phá được nữa. Đấy là lập luận cụ thể theo sự thực lịch sử. Còn lô gích
thuần tuý thì còn lắm điều phải bàn:
Một là, Hồ Tây là nơi danh lam thắng cảnh có đẳng cấp của cố đô, quan lại địa phương tất phải đặt người bảo vệ môi trường cẩn thận, lẽ nào dám coi thường “chiếc mũ ô sa”, buông lỏng quản lý, mặc tình cho trẻ con coi như ao nhà, thoả thích nghịch ngợm được? Lại giao cho vị hoàng đế vừa đăng quang xong, phải kiêm nhiệm ngang xương vai trò người canh giữ?
Hai là, gia pháp cụ Đồ không thuộc hạng dân đen bình thường vì vốn là hậu duệ của một Binh bộ Thượng thư, lại đã nhiều đời dạy học, liệu có cho phép trẻ con trong nhà tắm truồng ở nơi công cộng, trước mặt mọi người qua lại được không? Đã là ông Đồ, đương nhiên người ta sẵn lòng trừng trị đến cả con cái thiên hạ, lẽ nào lại bỏ sót con cái nhà mình?
Ba là, một vị hoàng đế, lại mới lên ngôi chưa lâu, đang ngồi trên xe buông rèm, xung quanh dày đặc lính tráng hầu hạ bảo vệ kín mít, hắt nước không lọt (nghĩa quân Vũ Đình Lục, Nguyễn Thế Chung còn đang hoạt động ở Sơn Tây đã được chín năm! Ấy là chưa kể từ tháng 1, Phan Bá Vành đã mở đầu cuộc chống triều đình, đến 7 năm ở Nam Định và nghĩa quân của Đỗ Văn Kỷ, Đỗ Hoàng Thản nổi dậy vào tháng trước ở Sơn Tây sát nách Bắc thành!) như thế, nhà vua chẳng thể nào thiếu thận trọng để vén rèm nhìn ra, mà dù có nhìn ra thì cũng chỉ có thể thấy lưng áo lính và vô số dân chúng quỳ mọp hai bên đường tung hô vạn tuế cùng dãy hương án xông trầm nghi ngút. Tóm lại nhà vua không thể nhìn thấy gì ở hồ Tây dù thực sự có cả đàn trẻ con đang tắm liều ở đấy, bất chấp cả đất trời!
Bốn là, chế độ phong kiến rất coi trọng học trò - vì đó là lực lượng hậu bị rất cần cho mọi thời đại - và do coi trọng nên người ta rất cần trị nặng tội vô lễ, khiếm kính, chứ không phải cứ đối cho thật giỏi thì mọi sự suôn sẻ. Nhà văn Chu Thiên có kể rằng Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải từng đích thân sa thải một thầy cũ của mình - đang là Giáo thụ phủ Hoài Đức - chỉ vì hồi đi học quan lớn Kinh Lược nọ bị thầy mình phạt đòn về tội đánh bạc nên mấy chục năm sau cũng vẫn còn căm. Như vậy, dù vua có tha tội đi nữa thì chỉ mới xong phần của “quân”, còn “sư” và “phụ” thì vô cùng nghiêm khắc mà vẫn còn lo ngay ngáy là chưa tròn bổn phận nữa. Vân vân và …vân vân.
290
Chuyện thứ ba:
Phê phán câu đối điện Cần Chính.
Tương truyền khi Cao Bá Quát vào Huế nhận chức Hành Tẩu Bộ Lễ, điện Cần Chính - thuyết khác bảo điện Thái Hòa - có trang trí đôi câu đối:
Tử năng thừa phụ nghiệp,
Thần khả báo quân ân.
(Con phải nối cho được nghiệp cha, Bề tôi phải báo đáp ơn vua.)
Cao Bá Quát bèn phê ngay bên cạnh:
- Tối hảo! Tối hảo! Cương thường điên đảo! (Hay lắm! Hay lắm! Cương thường đảo điên!)
Việc đến tai vua Tự Đức (!), vua gọi Cao Bá Quát vào hỏi, Cao bình tĩnh đáp:
- Muôn tâu Bệ hạ, lẽ ra người soạn câu ấy phải biết tôn trọng trật tự tôn ti, tức là phải viết:
Quân ân thần khả báo,
Phụ nghiệp tử năng thừa.
Bẩm, phải như vậy mới đúng đạo cương thường được ạ!
Vua nghe có lý quá nên miễn tội.

Giai thoại này cũng phản lô gích như giai thoại 2, cụ thể là:
1. Điện Cần Chính là nơi vua làm việc hằng ngày, không phải là nơi vắng vẻ để cho ai lén lút làm gì cũng được. Lẽ nào Cao Bá Quát có phép tàng hình?
2. Cột điện Cần Chính không thể quá “lùn” đến nỗi chỉ trang trí được loại câu đối năm chữ như ở nhà mồ, khám thờ?
3. Nội dung lẫn hình thức câu đối như thế chỉ phù hợp với bài tập nhỏ của nhà trường chứ không phù hợp cho việc trang trí nơi trang nghiêm nhất của guồng máy tập quyền.
4. Làm quan Bộ Lễ, mỗi lần vào chầu vua tất phải quỳ mọp trước sân đúng theo phẩm cấp, Cao Bá Quát dễ gì dám coi thường phép nước, đi lại tự do, coi điện Cần Chính như thứ miếu hoang ở nơi vắng người qua lại? Vả lại, loại vụ việc như thế nào phải là việc quan trọng đến mức hoàng đế phải đích thân xử lý! Biến một ông vua ra kẻ bằng vai phải lứa với một viên quan không ấn là cách làm phản tự nhiên, xúc phạm lý trí người đọc.
5. Trên thực tế, ngay trong năm đầu ở Huế, Cao Bá Quát đã phạm tội chữa bài thi, bị kêu án tử hình, như vậy hầu hết thời gian làm quan của ông, ông bị xếp vào hàng trọng phạm hưởng đặc xá, tình cảnh ấy họ Cao có mặc tình phóng túng, trêu vua bừa bãi được không?
Vân vân …

Chuyện thứ tư:
Hai quan lớn xô xát.
Chuyện kể rằng có lần bãi chầu, vừa ra khỏi cổng liền xảy ra xô xát giữa hai quan lớn. Cao Bá Quát chứng kiến đầy đủ nên bị gọi vào làm chứng. Cao Bá Quát xin khai bằng bút rồi viết liền một mạch:
Bất tri ý hà?
Lưỡng tương đấu khẩu.
Bỉ viết: “Cẩu!”
Thử diệc viết: “Cẩu”,
Bỉ thử giai cẩu,
Dĩ chí đấu ẩu,
Thần kiến thế nguy,
Thần tẩu.
(Chẳng biết ý gì - Hai bên đấu khẩu với nhau - Ông kia nói: Chó! - Ông này cũng nói: Chó! - Ông kia ông này đều “chó” - Rồi đến đánh nhau - Thần thấy thế nguy - Thần bỏ chạy). Đã có một nhà giáo uy tín nọ coi giai thoại này là loại “người thật việc thật” rồi phân tích khá thú vị trong cuốn “Luận đề Cao Bá Quát”:
- Câu thứ nhất đã lột tả được quang cảnh của hai chú chó dữ sắp vào cuộc đấu. Cả hai gầm gừ nhau đầy vẻ khiêu khích.
- Năm câu kế tiếp tượng trưng cho vụ cắn lộn đúng với tập tính của loài chó. Chúng vừa cắn vừa sủa: Cẩu! Cẩu! để trợ oai.
- Câu thứ bảy chứng tỏ cả hai chó đều đuối sức, nhả nhau ra nhưng vẫn gờm nhau dè chừng, lại thăm dò đối thủ xem sao. Cuối cùng, một chú trọng thương, nhận ra mình yếu thế nhưng cố sủa đại một tiếng vớt vát thể diện: Thần tẩu! rồi cụp đuôi bỏ chạy biệt tăm.
Phân tích sắc sảo như thế độc giả bị thuyết phục dễ dàng, quên mất là giai thoại ấy quá ư phản lô gích. 
1. Khi ra khỏi cổng thành, quan lớn nào cũng đều được xe ngựa hay cáng kiệu và cả tốp gia nhân đón về. Chẳng làm gì có cơ hội xô xát trực tiếp. Hơn nữa, các vị ấy lại còn bị mũ áo vướng víu, rất khỏ cử động nhanh nhẹn theo ý mình lại tạo lợi thế cho kẻ ngoài cuộc níu can, khó mà “dĩ chí đấu ẩu” được. Đã thế, ở thân phận quan nhỏ mà dám to gan chứng kiến mãn cuộc hai quan lớn “đấu ẩu” thì có lẽ cả đời khó thoát khỏi tội nợ! Cao Bá Quát đâu phải kẻ xử sự vụng về đến thế?
2. Nền giáo dục phong kiến vốn không hề quan tâm đến sức khoẻ của học trò nên bản năng hiếu động, hiếu chiến, hiếu thắng đã thui chột, cơ bắp đã cam tâm tình nguyện thoái hoá, nhường cho sự điềm đạm, nhịn nhục của phong thái nho nhã, đồng thời đã khiến họ hình thành nếp khôn ngoan, kẻ dưới tầm hôm nay biết đâu ngày mai có thể trở thành kẻ định đoạt thân phận kẻ trên tầm hôm trước, nên chả ai dám gây sự với ai để đỡ lo hậu hoạ. Chỉ cần buông một câu nói thất lễ là đi tong đời quan chức, dại dột đặt dấu chấm hết cho bao nhiêu công lao đèn sách cùng phấn đấu cống hiến, chẳng ông quan nào thiếu sót kinh nghiệm tối thiểu đến mức ấy. Riêng với Cao Bá Quát, ta có thể khẳng định là chẳng bao giờ ông thiếu tế nhị về mặt lễ độ và nhận định nầy có cơ sở khá vững vàng.
Trong bài thơ dài 24 câu Di Phan Sinh (gởi Phan Nhạ)
- người bạn trẻ ăn ở cùng nhà (đã được trời định rằng họ cần phải thân thiết với nhau tối đa như răng với lưỡi!)
- Cao Bá Quát đã bộc bạch tâm sự rất đáng tin: Phùng nhân ái hi du
- Thiết khủng mỗi vong kính (Gặp người là thích giao du vui vẻ - Chỉ sợ ngầm một cách kinh khủng là quên tôn kính). Ai dám coi lời phản tỉnh nầy của Cao Bá Quát là nói đùa hay nói dối ?

Chuyện thứ năm:
Lỡm vua Tự Đức bằng bài thơ kỳ quặc.
Có lần vua Tự Đức hí hửng khoe với quần thần trong một phiên chầu rằng đêm trước nhà vua mơ thấy mình nhận được hai câu thơ rất ngộ, mỗi câu đều có xen hai chữ Nôm:
Viên trung oanh điểu khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Trong lúc các quan còn lo nắc nỏm ca ngợi đấy là chuyện vô cùng kỳ lạ cho mát lòng vua thì Cao Bá Quát đột nhiên gây bất ngờ:
- Muôn tâu, hạ thần đã có lần đọc đủ toàn bài thơ nọ rồi ạ!
Nhà vua lẫn quần thần hết sức kinh ngạc. Lập tức Cao Bá Quát được lệnh đọc bài thơ ấy. Ông đứng lên đọc làu làu như học trò giỏi quá đổi thuộc bài:
Bảo mã tây phong huếch hoác lai.
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi
Viên trung oanh điểu khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Xuân nhật bất văn sương lộp độp
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân thức
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.
(Ngựa báu huếch hoác đến trong gió thu,
Người theo vó ngựa huênh hoang về.
Trong vườn chim oanh hót khề khà,
Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm.
Ngày xuân không nghe sương lộp độp,
Trời thu chỉ thấy mưa bài nhài.
(Kẻ) khù khờ gặp ý thơ nhiều người biết,
(Thế mà) khệnh khạng đem đến hỏi người có học thức!).

Vua Tự Đức căm giận đến tái người nhưng lặng lẽ cho qua vì không bắt bẻ vào đâu được, còn quần thần thì tâm phục khẩu phục tài nhanh nhẹn hiếm có ấy của Cao Bá Quát, quá ư thỏa đáng với hiệu Mẫn Hiên (nhanh nhạy cao độ).
Câu chuyện này có vẻ được “độ” lại từ vụ Dương Tu lỡm Tào Tháo trong sách Tam quốc diễn nghĩa. Tào Tháo khoe tác phẩm Mạnh Đức tân thư mình vừa sáng tác rồi đắc ý đọc cho quần thần nghe, Dương Tu liền bảo đấy là sách cũ của người xưa, trẻ con Tây Xuyên của ông đều thuộc, Dương Tu vẫn còn nhớ, thế rồi đọc vanh vách không sai một chữ. Tào Tháo căm lắm, về sau dựa vào sự suy diễn “thông minh chết người” về mật khẩu “gân gà”, gấp rút ra lệnh xử tử Dương Tu về tội làm rối lòng quân sĩ.  Người phóng tác giai thoại này đã quên nề nếp sinh hoạt cung đình. Trước mặt vua, kẻ bề tôi bao giờ cũng phải cúi gằm, nhìn chăm chăm vào mảnh kính nhỏ khảm trên chiếc hốt, cầm khư khư bằng hai tay, ngắm sao cho hai cánh chuồn của mão mình cân đối, còn khi tâu gởi điều gì thì phải dùng tư thế phủ phục, cúi đầu ngó đất chứ không được phép nhìn thẳng…long nhan. Chỉ trong trường hợp vua gọi vào tiện điện thì mới không bị các ngự sử giám sát nghiêm ngặt. Chẳng đời nào vua tôi lại dễ dàng chuyện trò thoải mái, tíu tít như một đám bạn ở bậc Tiểu Học cùng nhau đi dã ngoại! Cho dù vua Tự Đức không câu nệ đi nữa thì một người từng can trọng tội như Cao Bá Quát ngay từ năm Thiệu Trị 1 (bị giam giữ, tra tấn đúng bài bản!) cũng khó tìm đâu ra dũng khí để nghĩ đến chuyện lỡm vua, huống chi vua Tự Đức vốn là ông vua đối xử với bề tôi rất nghiệt ngã, chưa bao giờ “cởi trói” cho lễ giáo phong kiến. Lịch sử đã chép rõ nhiều vụ. Ngay với Trần Tiễn Thành (1813-1883), người được coi là Bùi Độ (765-839) của Đường Hiến Tông tái sinh, nhà vua có chủ trương cơ cấu nhân vật gốc Minh Hương nầy để về sau dùng làm Phụ Chính Đại Thần, nên đã ban cho Trần cuốn  Bùi Độ truyện, lại cải tên Văn Nghĩa ra Tiễn Thành, ngụ ý rằng ông ta sẽ nối gót Tô Hiến Thành đời Lý để tận trung báo quốc.  Mỗi khi vua đi vắng, Trần Tiễn Thành luôn là người xử lý mọi việc thay vua và khi vua se mình thì Trần được uỷ nhiệm chủ trì các quốc lễ nữa (phần lớn các đối trướng trang trí ở rạp hành lễ là tác phẩm ngự chế hoặc vua sai Trần biên soạn).
Thế mà trong 35 năm dốc lòng mẫn cán, Trần Tiễn Thành bị vua phạt bổng (cúp lương) trước sau đến 840 tháng (70 năm!).  Những sai trái khiến bị cúp lương ấy lắm khi nghe rất hài hước, quá sức tưởng tượng. Đó là chưa kể họ Trần còn “được” giáng cấp liên miên tuy chỉ là giáng lưu, tức là vẫn giữ nguyên nhiệm vụ nhưng không được hưởng chế độ thăng thưởng. Tuy các đợt đại khánh tiết xoá dần nhưng cũng chỉ xoá bớt phần nhỏ chứ không lúc nào hết nợ. Biết tính ông vua lạ đời ấy, bản thân họ Trần có lúc còn ngẫu hứng đón ý vua dâng biểu… xin được giáng cấp nữa.(!)
Còn với Nguyễn Tri Phương (1800-1873) vốn được tin dùng từ thời Minh Mạng, lại là thông gia với vua Thiệu Trị, làm quan thì đã từng cùng một lúc kiêm nhiệm luôn sáu chức Tổng đốc Lục tỉnh Nam Kỳ, làm tướng thì luyện quân, lập đồn đắp luỹ, đích thân xung trận, thế mà khi dâng sớ can gián, Tự Đức bỏ mặc cho vị lão thần ba triều ấy quỳ dang nắng suốt ngày. Các đại thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Tư Giản, Phạm Phú Thứ hết lời can gián, vua cũng không chịu nhận sớ!
Những chi tiết trên đây nghe rất khó tin cho ai chưa đọc bộ tự truyện sáu cuốn Văn Nghị Công Niên Biểu của Trần Tiễn Thành. Tính khí một ông vua như thế, Cao Bá Quát lại làm ở bộ Lễ, cách Tử Cấm Thành chưa tới hai phút đi bộ, lẽ nào gần chục năm trời mà họ Cao chưa biết tự lo cho mình, đến nỗi dám khiêu khích ngạo mạn với đấng chí tôn bằng những tiếng khù khờ, khệnh khạng?
Người hư cấu giai thoại này có lẽ thiếu thông tin nghiêm trọng về mọi mặt, nên ý đồ tô điểm cho Cao Bá Quát thật độc đáo thì lại phản tác dụng, biến họ Cao thành một mẫu người xốc nổi, đánh mất lý trí, trong khi điều làm cho Cao Bá Quát tồn tại xứng đáng, vinh quang nghìn năm của ông không phải là những giai thoại mà là sự nghiệp thơ văn đồ sộ vô song về lượng lẫn chất (chính sự dửng dưng trước sự nghiệp đó là lý do khiến không thành phố nào dành cho cái tên Cao Bá Quát một đại lộ đủ tầm cỡ để giúp người đời hình dung đúng tầm vóc về trí tuệ nổi trội của ông).

Chuyện thứ sáu:
Câu đối đánh giá Cao Bá Quát
Tương truyền vua Tự Đức có ngẫu hứng viết câu đối sau:
Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.
(Văn như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát thì văn thời Tiền Hán không còn đáng kể - Thơ mà làm đến mức như Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thì thơ Thịnh Đường phải mất địa vị độc tôn!).
Đánh giá nhân tài trong nước dưới triều đại mình bằng lời lẽ khoa trương như vậy nghe có vẻ hoàn toàn phù hợp với phong cách một ông vua chuộng văn ghét võ như Tự Đức. Thế nhưng chỗ phản lô gích ở đây thật lộ liễu!
Cao Bá Quát vào Huế làm quan vào tuổi 33, chỉ mấy tháng sau ông bị ghép vào tội chết do chữa bài thi. Bấy giờ Tự Đức còn là một hoàng tử 12 tuổi. Từ đó thơ Cao Bá Quát đã bị coi là thơ nghịch tặc, có viên giáo đạo nào đủ gan đọc thơ ấy cho điện hạ nghe không? Lại có gan giảng giải chỗ hay, chỗ lạ trong thi tứ không? Làm thế đáng được coi là tòng phạm về tư tưởng. Mười bốn năm sau đó, họ Cao còn nhận bản án tru di tam tộc vì phạm tội đại nghịch. (Làm Quốc Sư trong phong trào Lê Duy Cự). Nếu Tự Đức có lỡ làm một câu đối như thế thì thực hiện vào thời điểm nào? Chẳng có thời điểm nào cả, vì trước sau Tự Đức chỉ nhận định họ Cao là… siêu trọng phạm. Nhà thơ Byron (1788-1824) từng phát biểu “Tôi ghét tội lỗi nhưng tôi yêu kẻ phạm tội.”  Phải chăng vua Tự Đức cũng nhìn nhận việc đời “thoáng” như nhà thơ Anh quốc ấy? Vô số lần không! Quan niệm thông thường thì khi xử án, quan Hình Bộ có thể châm chước hạ khung hình phạt cho người có tài và nhà vua dễ dàng ân xá họ. Luật pháp triều Nguyễn thì không có ý châm chước ấy.  Kẻ biết pháp mà phạm pháp thì bị xử nặng hơn ba bậc.  Đã là vua thì càng thẳng tay càng có lợi cho kỷ cương. Mà Tự Đức đâu phải là ông vua “nới tay” để khen Siêu, Quát? Cứ xem cái cách nhà vua cư xử với anh ruột mình là Hồng Bảo, chị dâu là Đinh Thị Thuỵ, con Hồng Bảo là Đinh Đạo, Đinh Tự, Đinh Chuyên, Đinh Tương (đã bị buộc đổi theo họ mẹ) và hai đứa bé năm tuổi cùng ba tuổi của Đinh Đạo, cả nhà ấy lần lượt bị treo cổ đến 8 mạng người! Thậm chí đứa con trai ba tuổi của Đinh Đạo chịu án xong vẫn chưa chết hẳn, tương truyền là cho vào quan tài xong người ta vẫn còn nghe tiếng khóc oa oa cũng bị đưa đi chôn luôn! (Luật pháp Tây Phương từng tha bổng những trường hợp thoát chết ấy). Thật ra thì tội trạng của 8 người nọ toàn là tham gia âm mưu và không hề biết gì chứ chưa một ai dám xâm hại “long thể” nhà vua, dù chỉ ném một hạt cát! Lòng dạ của ông vua như thế liệu có còn khoảng trống nào để bao dung hai kẻ từng phá hoại kỳ thi ở tiền triều ngay tại chốn kinh kỳ như “thần Siêu, thánh Quát” hay không? Với bất cứ người nào, bất kể là vua hay không, lẽ nào lại có thể vừa yêu vừa ghét thật đến nơi đến chốn cùng một đối tượng duy nhất hay không?
Về cụm từ “thần Siêu, thánh Quát” không rõ là cha đẻ hay con đẻ câu đối trên, nhưng không phải là không có vấn đề. Tục coi tác giả là thần thành vốn không có tiền lệ ở Việt Nam. Thế mà cụm từ này bám chặt dư luận nhiều đời.  Suy ra, có lẽ nhu cầu xã hội đòi hỏi phải là thần thánh thì người ta mới chịu suy tôn? Chờ đọc thơ văn họ rồi mới khâm phục thì là chuyện đường dài, tốn sức lắm thì phải!

Chuyện thứ bảy:
Cái mũi vô duyên.
Tương truyền khi Tùng Thiện Vương đưa Cao Bá Quát xem tuyển tập xướng hoạ của Mặc Vân Thi Xã (câu lạc bộ xướng hoạ của đám quan chức ở Huế cùng một vài phu nhân, nữ sĩ) Vương không giấu được vẻ tự hào, thế nhưng khi xem xong Cao Bá Quát bịt mũi thốt:
Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An!
Thế là niềm tự hào phơi phới của Vương thoắt chốc biến thiên từ vô cực dương về vô cực âm! Danh sĩ Cao Bá Quát mà là kẻ hành động lỗ mãng như vậy ư! Một anh Hành Tẩu mà dám mạt sát cả một tập thể quyền quý giữa trung tâm chuyên chế như vậy được ư! Coi thơ văn họ là thứ khắm thối mà họ cắn răng chịu nhục được ư! Cái “thanh lịch” của người Tràng An ở Cao Bá Quát biến đi đâu rồi?
Phải suy nghĩ theo hướng này:
Thứ nhất, nếu họ Cao không hề có thiện cảm với thi xã ấy, chẳng đời nào Tùng Thiện Vương đưa tác phẩm của họ cho Cao xem, mà đã đưa xem thì tất phải có đôi lời khen dù chỉ miễn cưỡng chiếu lệ, ít ra thì cũng nể lòng người ta tin cậy chứ làm gì có chuyện chê, làm gì có chuyện ví von thậm tệ?
Thứ hai, cự ly giữa người cho xem thơ và người đọc thơ ở đây quá lớn, một bên là em ruột đương kim hoàng thượng, một bên chỉ là quan cấp thấp (chánh lục phẩm) của một bộ không được đánh giá cao: bộ Lễ! Lẽ nào Cao Bá Quát vốn từng trải hơn người lại chưa được nghe câu ca dao đánh giá Lục bộ:
Thứ nhất: bộ Lại, bộ Binh,
Thứ nhì: bộ Hộ, bộ Hình cũng xong.
Thứ ba thì có bộ Công,
Nhược bằng bộ Lễ, lạy ông xin về!
Nói cách khác, Cao Bá Quát cho dù là “thánh” thực thụ đi nữa cũng phải mang mặc cảm tự ti đầy mình, chẳng đời nào thất thố như vậy được.
Thứ ba, xã hội phong kiến không bao giờ dung thứ kẻ vô lễ. Một sự xúc phạm như vậy lẽ nào cả cái thi xã nọ không làm cho ra lẽ? Dễ gì người ta vui vẻ nghe tai nọ ra tai kia? Phải tốn bao nhiêu lần công sức dàn xếp chưa chắc xoá nỗi một câu lỡ lời như vậy chứ đâu phải đơn giản? Cái xã hội kinh kỳ đã trải qua 9 chúa 3 vua ấy đâu dễ xuê xoa như ở vùng quê hẻo lánh?
Thứ tư, đây là câu thơ lục bát, vốn là thứ Cao Bá Quát chỉ dùng rất thỉnh thoảng trong các câu mưỡu của Hát nói. Nếu buột miệng lỡ lời khi đang đọc thơ, họ Cao chỉ có thể buột miệng bằng thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bằng chữ Hán thì mới là điều bình thường.

Chuyện thứ tám:
Hai câu đối, hai tính cách.
Người ta kể rằng, quân Lê Duy Cự bị đánh tan, Cao Bá Quát bị bắt sống và khi đưa về giam cầm nghiêm ngặt ở ngục Sơn Tây, vị Quốc sư nọ đã khẳng khái ngâm nga:
Một chiếc cùm lim, chân có đế,
Hai vòng xích sắt, bước thì vương.
Như vậy, chứng tỏ Quốc Sư quả là người có chân mạng đế vương hẳn hoi chứ không phải là loạn quân, nghịch tặc như lịch sử đánh giá lệch lạc!
Rồi khi bị điệu ra pháp trường, Cao Bá Quát cũng đĩnh đạc “tranh thủ” vịnh cảnh ngộ mình:
Ba hồi trống giục, đù cha kiếp.
Một nhát gươm đưa, bỏ mẹ đời!
Đúng là mẫu người hào hùng, khí khái coi cái chết nhẹ tựa lông hồng! Có điều lạ là hai câu đối mang hai phong cách quá ư khác nhau, câu trên của một Cao Bá Quát thâm trầm, tâm lý hướng nội, câu dưới của một Cao Bá Quát bạt mạng, tâm lý hướng ngoại. Cuộc sống chung của hai phong cách ấy trong cùng một tâm lý, cùng một nhân cách nghe thật đáng ngờ.

Chuyện thứ chín:
Gươm và súng.
Cao Bá Quát chết ở pháp trường hay chết trong trận đụng độ giữa quân triều đình với quân khởi nghĩa? Trong một thời gian dài người ta tin rằng ông chết dưới lưỡi gươm đao phủ vì thuyết ấy nghe …lãng mạn hơn, khí phách anh hùng hơn. Thế nhưng sử sách chép rõ việc viên Suất đội Đinh Thế Quang nhờ bắn được Cao Bá Quát ở trận Yên Sơn nên được thăng Cai Đội. Đầu Cao Bá Quát bị cắt đem bêu nhiều nơi, rồi băm nát ném xuống sông. Sử sách ghi chép rành rành như thế, nhưng ông Trúc Khê đã làm cho dư luận không tin vào sử, có lẽ chỉ vì không muốn mất đôi câu đối mình dày công chế tác nghe quá… đã!
Rồi đến Nguyễn Tuân (1901-1987) củng cố thuyết pháp trường ấy bằng truyện ngắn Chữ Người Tử Tù trong tập truyện Vang Bóng Một Thời, ai đã đọc là nhớ như in. Truyện nọ kể rằng viên cai ngục Sơn Tây đã lén lút xin Cao Bá Quát để lại cho y mấy chữ làm kỷ niệm và ông Huấn Cao đáp lại thịnh tình. Câu chuyện này có lẽ đến nay hãy còn đứng vững trong tâm trí nhiều người.
*
* *
Chín câu chuyện trên đây được nêu ra bàn lại có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng. Cao Bá Quát là người nghệ sĩ cần cù, thơ văn đặc sắc, lại rất ưa “du lịch sinh thái” nên đến đâu ông cũng để lại thơ văn xướng hoạ. Qua thơ văn ông, ta biết thời gian bị đày làm lính ở Đà Nẵng, ông từng vào tận Thăng Bình thăm nhà cũ của Vũ Trinh (Lai Sơn Cố Trạch), ngược dòng sông Diêu Trì để thăm nhà người bạn xướng hoạ (Đề Ông Thị Sơn Cư) vốn là nhà của nội tổ Ông Ích Khiêm ở tận làng Cây Sung. Điều gây tiếc rẻ cho Cao Bá Quát là không có dịp làm bạn với khắp cả mọi người (Bình sinh hồ hải duy tương tích - Quát tận đông tây nam bắc nhân - Gởi Thương Sơn Công). Cá tính ấy ở ông rất phù hợp với Đường Bá Hổ, Từ Văn Trường, Tô Đông Pha ở Trung Quốc và người ta đã sưu tầm in thành sách khá nhiều giai thoại về họ. Thế cho nên Cao Bá Quát cũng vậy. Người ta thèm kể, thèm nghe, thèm tin vào những giai thoại ấy, thậm chí lắm người còn đưa vào cả sách giáo khoa những chi tiết phi thực ấy về Cao Bá Quát.  Đến đây, một vấn đề cần đặt ra để duy trì sự trong sáng cho tri thức, nói cách khác là loại bỏ những thông tin gây nhiễu cho sách giáo khoa sắp biên soạn hay đã lưu hành để trả lại chân dung đích thực của danh nhân và nhất là để cho các vị đặt tên đường không trộn lẫn Cao Bá Quát với… Ba Giai, Tú Xuất …
Chắc có người nghĩ rằng “không có lửa làm sao có khói.” Vâng, có lửa thật đấy nhưng là lửa của Trúc Khê, của Nguyễn Tuân chứ không phải của bản thân Cao Bá Quát. Và khói ở đây là sự lan truyền vô tội vạ do sức hấp dẫn của những giai thoại ấy.
Một câu hỏi khác:
Cách làm của Trúc Khê, Nguyễn Tuân có đáng trách hay không?
Từ thâm tâm, cách làm của các vị ấy không đáng trách. Đáng trách là những kẻ truyền bá giai thoại chưa qua gạn lọc thông tin. Các vị ấy thực sự có công đã mở ra một lối hâm mộ nhân vật cho những người không có điều kiện tiếp cận sử liệu và không có dịp tìm đến thơ văn Cao Bá Quát hoặc có tìm đến nhưng chưa thấu hiểu giá trị. Phải có cách nào đó để người đời hiểu Cao Bá Quát, một tài hoa lỗi lạc dành trọn đời mình cho thơ văn và thơ văn vốn dĩ là thứ có công góp phần cải tạo tâm hồn, nâng đỡ và nâng cao tâm hồn cho vô vàn thế hệ loài người.


N.V.L.

(Trích Đặc San Viện Hán Học Huế 55 Năm Nhớ Lại)



Không có nhận xét nào: